Kiến trúc Nghệ thuật Đàng Ngoài thời Lê trung hưng

Những công trình kiến trúc lăng mộ vua chúa cơ bản mô phỏng của đời trước và không có những nét mới so với thời Lê sơ.

Kiến trúc dân gian mang tính cởi mở, phóng khoáng hơn nhờ tính sáng tạo của những người thợ.

Cung điện

Quang cảnh Phủ chúa Trịnh do Samuel Baron vẽ năm 1685.

Đình làng

Đình Bảng

Từ thế kỷ 17, nhiều ngôi đình làng, xã đã được xây dựng; sang thế kỷ 18 thì gần như làng xã nào cũng có đình. Thời Chính Hòa (1680-1705) được xem là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc đình làng[2]. Những ngôi đình làng có kiến trúc độc đáo như đình làng Chu Quyến (Hà Nội), đình làng Thổ Tang, Ngọc Canh (Vĩnh Phúc). Tại đình Chu Quyến có những tượng tròn và hoạt cảnh như tượng chim, phượng, người cưõi báo gắn trên giá đỡ ở cột. Tại đình Thổ Tang và Ngọc Canh, phù điêu được kết thành chuỗi dài với các hoạt cảnh gồm hai ba tầng như người đi cày, đi săn, đá cầu, đấu võ, hội làng…

Sang thế kỷ 18, có nhiều ngôi đình làng có kiến trúc khá đẹp như đình Thạch Lỗi (Văn Giang, Hưng Yên), Nhân Lý (Nam Sách, Hải Dương), đình Đình Bảng (Bắc Ninh)[2]. Trong đó đình Đình Bảng, còn gọi là đình Báng, hiện nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc khi xây dựng cách đây 300 năm, là một trong vài ngôi đình nổi tiếng nhất, do Diệu Đình hầu Nguyễn Thạc Lượng xây dựng trong suốt 36 năm (1700-1736)[3][4], được xem là thời gian xây dựng lâu nhất đối với một ngôi đình[5].

Chùa

Gác chuông chùa Keo ở Thái Bình

Ngoài đình, còn có nhiều chùa do các quan lại, quý tộc đứng ra trùng tu, sửa chữa những ngôi chùa được xây cất từ đời trước. Kiến trúc chùa thời kỳ này hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, gần gũi với cuộc sống đời thường chứ không cao lớn uy nghiêm như tại những nước theo đạo Phật khác[6].

Chùa Keo (hay chùa Thần Quang) tại Thái Bình được xây mới năm 1632 và trùng tu nhiều lần trong thế kỷ 17-18 kiến trúc theo kiểu “thượng thu hạ thách” với hệ thống cột biên được xem là một kiệt tác. Chùa Bút Tháp (hay chùa Ninh Phúc) ở Bắc Ninh được xây dựng lại năm 1646-1647, trong chùa có tháp Báo Nghiêm (tháp Bút) cao tới hơn 13 mét gồm 5 tầng.

Chùa Tây Phương (hay chùa Sùng Phúc) ở Thạch Thất (Hà Nội) cũng được xây dựng lại hoàn toàn và trung tu, nằm trên núi Câu Lậu cao 50 mét. Từ chân núi tới chùa gồm 329 bậc đá ong. Chùa có 3 tầng chính, cấu trúc cách nhau 1,6 mét xây theo kiểu chồng diêm, 2 tầng 8 mái với khung gỗ chịu lực, tường ngoài xây bằng gạch Bát Tràng. Những chi tiết kiến trúc trang trí kiểu mái cong còn gọi là “đóa hoa đao đình”, các mái, vì, xà được chạm khắc chim muông, hoa lá rất công phu với các cửa tròn theo triết lý sắc sắc không không của đạo Phật[7].

Chùa Hương Tích (Hà Nội) gồm một quần thể chùa được đánh giá là đẹp nhất Đại Việt (Nam thiên đệ nhất động) đặt trong quang cảnh tĩnh mịch và hùng vĩ của những ngọn núi cao bên bờ suối Yến.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghệ thuật Đàng Ngoài thời Lê trung hưng http://svqy.org/2014/1-2014/frame/nhungbuctranh.ht... http://thanglong.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx... http://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Ga-tho-moc-va-b... http://hcmufa.edu.vn/tap-chi/thong-tin-my-thuat-so... http://dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=637&c... http://thanglonghanoi.gov.vn/Content/tabid/92/cate... http://www.nguoiduatin.vn/muc-so-thi-kien-truc-din... http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Dat-nuoc-Con... http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lua-bai-1... http://toquoc.vn/sites/vi-vn/details/33/kien-truc-...